Trong ngành cơ khí cắt gọt thì máy tiện được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, thường nó chiếm khoảng 50% đến 60% các máy công cụ trong các phân xưởng cơ khí [1].
Đối với sinh viên ngành cơ khí, việc tìm hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại máy công cụ nói chung, máy tiện nói riêng là một trong nhưng yêu cầu cần thiết giúp người học có thể nắm bắt quy trình công nghệ, các bước nguyên công trong sản xuất chế tạo các sản phẩm cơ khí. Để hiểu được kết cấu của máy tiện, nguyên lý hoạt động và cách vận hành máy nhằm có thể sửa chữa, cải tiến thì người học cần được trang bị đầy đủ cả về kiến thức và kỹ năng sử dụng. Trong quá trình học tập nghiên cứu người học cần được thực hành, được quan sát máy tiện, quan sát các kết cấu cơ bản của máy và nhìn thấy sự hoạt động của máy. Do vậy đòi hỏi đầu tư cho thiết bị thí nghiệm của môn học này lớn. Mặt khác để người học có thể hiểu được các kiến thức của môn học này đòi hỏi người học phải có khả năng tưởng tượng tốt. Vì vậy để có thể học tập tốt môn này chúng ta phải xây dựng một phương pháp giảng dạy cũng như phương pháp học một cách phù hợp. Một trong những phương pháp phù hợp đó là phương pháp học tập chủ động, nó sẽ tăng khả năng tiếp thu của người học. Theo một số nghiên cứu thấy rằng khả năng tiếp thu kiến thức của người học tăng lên khi được kết hợp nhiều giác quan vào hoạt động học tập. Giảng dạy lý thuyết kết hợp với mô phỏng hình ảnh chính là tổ chức các hoạt động học tập đa dạng và phong phú giúp làm tăng khả năng tiếp thu kiến thức của người học.
Với mục đích nâng cao tính thực tế của môn học, có thể truyền đạt một cách nhanh nhất dễ hiểu dễ nhớ nhất đối với người học, nhóm tác giả đã nghiên cứu và thực hiện đề tài “Mô phỏng hộp chạy giao máy tiện đa năng phục vụ giảng dạy vẽ kỹ thuật cơ khí”.