Skip to content Skip to navigation

Nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài Khoa học và Công nghệ cấp bộ “Xây dựng mô hình hệ thống đo lường đa kênh, giám sát và cảnh báo nồng độ khí độc - hại vượt quá ngưỡng cho phép trên các tàu dầu”, mã số DT223017

Ngày 09/3/2023, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Xây dựng mô hình hệ thống đo lường đa kênh, giám sát và cảnh báo nồng độ khí độc - hại vượt quá ngưỡng cho phép trên các tàu dầu”, mã số DT223017 do TS. Trần Thị Phương Thảo làm chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ được thành lập gồm 7 thành viên, do TS. Phạm Trần Thế Nam – TP. Khoa học – Công  nghệ, Trường ĐHHHVN làm chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị theo Quyết định thành lập hội đồng Khoa học công nghệ cấp Cơ sở số 295/QĐ-ĐHHHVN-KHCN ngày 07/3/2023 của Hiệu trưởng Trường ĐHHHVN.
Tham dự buổi đánh giá nghiệm thu có phòng KH-CN, các thành viên hội đồng trong và ngoài trường, Chủ nhiệm đề tài, thành viên tham gia thực hiện đề tài cùng các giảng viên, các nhà khoa học quan tâm tới dự.
Mục tiêu của đề tài nhằm làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo thiết bị đo lường sử dụng cảm biến khí (dạng oxit kim loại hoặc điện hóa) là các loại cảm biến thông dụng có ưu điểm: nhỏ gọn, cấu trúc đơn giản, dễ sử dụng, dải đo rộng kết hợp với các công nghệ tiên tiến về mạch điện tử, các phương pháp xử lý tín hiệu mới trong xây dựng mạch thu thập và chuẩn hóa, phương pháp truyền tín hiệu hiện đại để giám sát và cảnh báo nồng độ khí độc hại vượt quá ngưỡng cho phép trong buồng máy, phù hợp với trình độ công nghệ chế tạo trong nước, bảo đảm an toàn cho con người trong khai thác vận tải biển và phục vụ tiến trình nội địa hóa sản phẩm. Ngoài ra kết quả nghiên cứu còn phục vụ cho công tác tác đào tạo nguồn nhân lực sau đại học lĩnh vực Đo lường và điều khiển.
Đề tài đã được tác giả trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài và cùng nhận xét trao đổi, góp ý cho đề tài trước toàn thể Hội đồng đánh giá nghiệm thu, với các nội dung nghiên cứu các quy định, văn bản về kiểm soát chất lượng không khí trên tàu đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; phân tích, đánh giá nguy cơ rò rỉ chất độc hại của từng thiết bị có trên tàu dầu; phân tích lựa chọn các giải pháp để giám sát và tự động cảnh báo khi chất lượng không khí xuống mức nguy hại và đi đến thiết kế thiết bị đo, giám sát, cảnh bảo nồng độ khí vượt ngưỡng và điều khiển hệ thống thông gió. Kết quả đề tài đã nghiên cứu được một số nội dung về lý thuyết, kiểm nghiệm thực tế nhằm ứng dụng thiết kế thiết bị đo đa kênh nồng độ khí H2S, CnHn , CO trong buồng máy trên tàu và có thể đo đạc các thông số như nhiệt độ, độ ẩm, mật độ bụi để đánh giá chất lượng không khí trong môi trường với hệ thống thiết bị được thiết kế đo lường đa kênh, giám sát và cảnh báo ngưỡng nồng độ khí độc – hại trong các buồng máy với điện áp nguồn cấp 24 VCD, sai số cho phép đạt được <1%, ngưỡng cảnh báo 5-10% LEL được chứng nhận thử nghiệm thực tế.
Kết quả đề tài đã được Hội đồng nhất trí đánh giá Đạt.