Skip to content Skip to navigation

THƯ MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO QUỐC TẾ: "PROMOTING FINANCIAL INCLUSION IN VIETNAM" (THÚC ĐẨY TIẾP CẬN TÀI CHÍNH TẠI VIỆT NAM)

Theo thống kê của G-20 năm 2010, trên thế giới có hơn 2 tỷ người trưởng thành không sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính chính thức nào. Những người này chủ yếu sống tại khu vực Châu Phi, Châu Mỹ Latin, Châu Á và Trung Đông. Tại nhiều nơi, vấn đề người nghèo không thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính đã và đang được giải quyết thông qua các giải pháp và công nghệ mới như tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng không qua điểm giao dịch (dịch vụ ngân hàng qua internet hoặc mobile…), tiền điện tử (phát hành bởi các công ty thanh toán trực tuyến). Như vậy, ngày càng có nhiều người gửi tiền nhỏ lẻ, thu nhập thấp có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính tại những nền kinh tế đang phát triển.
Khái niệm “Tiếp cận dịch vụ tài chính” (Financial Inclusion) hiểu một cách khái quát nhất theo CGAP (2009), là việc cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người. Ngân hàng Thế giới (2008) định nghĩa nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính là khi không có các rào cản về giá cả và phi giá cả trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính, nâng cao tiếp cận có nghĩa là cải thiện mức độ cung cấp các dịch vụ tài chính với mức giá phải chăng. Trong đó, tài chính vi mô được hiểu là một hình thức của quá trình mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Về lý thuyết, việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính giúp dòng vốn luân chuyển rộng rãi tới mọi thành phần dân cư và doanh nghiệp, nhất là những thành phần thiệt thòi, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm đói nghèo và xóa dần những khác biệt về thu nhập, tránh những bất công, xung đột xã hội. Đặc biệt, các dòng vốn chính thức được sử dụng với độ an toàn cao hơn được luân chuyển trong nỗ lực mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính cũng giúp các cá nhân, hộ gia đình vốn hạn chế hiểu biết về tài chính tránh được những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính có giúp tăng cường ổn định tài chính hay không còn tùy thuộc vào sự tồn tại của một cơ sở hạ tầng về pháp lý và thể chế độc lập, minh bạch và không tham nhũng. Nói cách khác, việc mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính có thể góp phần thúc đẩy ổn định tài chính trong ngắn hạn và dài hạn nhưng chính ngân hàng trung ương và các cơ quan điều tiết khác mới đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo hệ thống thể chế pháp luật, duy trì sự ổn định tài chính. 
Tại các nước đang phát triển, một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển là hoạt động xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng là giải pháp hiệu quả, kích thích các hoạt động tạo thu nhập, giúp người dân kiểm soát tình hình tài chính của mình, từng bước vượt khỏi đói nghèo. Dân số Việt Nam hiện nay là 90 triệu người, trong đó hơn 70% dân cư sống ở vùng nông thôn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 95% cả nước, cho thấy rằng vẫn còn những khoảng trống lớn dành cho phát triển tài chính chính thức trong dân cư, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Mới đây nhất, bản dự thảo Chiến lược tài chính vi mô quốc gia do Ngân hàng Nhà nước đề xuất đã phác hoạ rõ nét viễn cảnh phát triển tài chính vi mô đa dạng và bền vững. Nếu Ngân hàng Nhà nước thuyết phục thành công Bộ, ngành và chính quyền địa phương theo đuổi mục tiêu này, công cuộc thúc đẩy các hoạt động tiếp cận tài chính những năm sắp tới sẽ trở nên thực sự bền vững và có hiệu quả.
Xuất phát từ thực tiễn trên, nhằm tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dành cho nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và người làm thực tế trong lĩnh vực tài chính, Học viện Ngân hàng phối hợp cùng Viện Chiến lược Ngân hàng và Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN) quyết định tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Promoting Financial Inclusion in Vietnam" (Thúc đẩy tiếp cận tài chính tại Việt Nam) dự kiến vào ngày 11/08/2017 tại Hà Nội.
Ban tổ chức kính mời quý vị tham gia viết bài cho Hội thảo theo các chủ đề sau:
- Những vấn đề lý luận xoay quanh chủ đề tiếp cận tài chính;
- Vai trò của tiếp cận tài chính trong việc thúc đẩy các mục tiêu quốc gia (tăng trưởng bền vững, xoá đói giảm nghèo, cải thiện phúc lợi & thu nhập, thúc đẩy bình đẳng giới...);
- Vai trò của các bên liên quan (Chính phủ, định chế tài chính, doanh nghiệp và hộ gia đình) đối với tiến trình thúc đẩy tiếp cận tài chính;
- Tìm hiểu cơ chế truyền dẫn hiệu ứng tiếp cận tài chính - xác định điều kiện tối ưu hoá hiệu ứng tiếp cận tài chính hướng tới phát triển kinh tế;
- Nghiên cứu các mô hình tiếp cận tài chính được triển khai trên thế giới;
- Dịch vụ tài chính số và giải pháp công nghệ thúc đẩy tiếp cận tài chính - Thực tiễn triển khai và các khía cạnh quản lý;
- Vấn đề nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia vào hoạt động tiếp cận tài chính;
- Nghiên cứu cơ chế khuyến khích, chính sách quản lý, giám sát đối với việc cung ứng và sử dụng dịch vụ tiếp cận tài chính;
- Nghiên cứu quá trình thúc đẩy tiếp cận tài chính tại khu vực các nước đang phát triển nói chung và tại Việt Nam nói riêng - nhận định các triển vọng và thách thức;
- Liên hệ với bối cảnh mới nhằm đề xuất định hướng, lộ trình và các giải pháp thúc đẩy có hiệu quả tiếp cận tài chính tại Việt Nam.
- Các chủ đề khác trong khuôn khổ của Hội thảo.
Bài viết tham dự có độ dài 3.000 - 7.500 từ, định dạng file Word, trình bày trên khổ giấy A4, căn lề: Left: 3 - Top: 2 - Bottom: 2 - Right: 2 (cm); Font chữ Times New Roman, cỡ chữ 12; Paragraph: before 3pt, after 3pt, Line spacing: Multiple 1.3.
Ban tổ chức chấp nhận bài viết bằng Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt. Kết cấu bài viết tối thiểu phải có các mục sau: (1) Tựa đề bài viết (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh); (2) Tên tác giả (kèm học hàm, học vị) và cơ quan công tác (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh); (3) Tóm tắt (từ 150 - 200 từ) và từ khoá (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh); (4) Kết quả nghiên cứu, thảo luận và hàm ý chính sách; (5) Tài liệu tham khảo.
Đối với bài viết tiếng Anh: Tác giả không cần dịch 03 mục đầu tiên sang tiếng Việt.
Thời hạn nhận bài: 18/06/2017
Địa chỉ nhận bài:  financialinclusion.hvnh@gmail.com
Thời gian dự kiến tổ chức hội thảo: 11/08/2017

Những bài viết đủ điều kiện được chấp nhận đăng trong toàn văn Kỷ yếu hội thảo quốc tế sẽ nhận được nhuận bút từ phía Ban tổ chức.
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ ThS. Phạm Mạnh Hùng, ĐT: 0936.421.688, hoặc gửi thư về địa chỉ email trên.
Xin trân trọng thông báo!