Với các dạng cầu phao, còn được biết đến như một dạng kết cấu di động, lực đẩy nổi của nước tác dụng lên các phao nổi của cầu phao được sử dụng như mố trụ cầu để đỡ kết cấu cầu thay vì sử dụng các loại cọc và trụ cầu truyền thống. Vì nằm trên các vùng nước có hành hải, trong quá trình khai thác, loại cầu này rất dễ đối mặt với các tai nạn do va chạm với các phương tiện nổi. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, nghiên cứu va chạm giữa cầu và phương tiện nổi cần phải được xét đến khi thiết kế các loại cầu phao. Trong hầu hết các nghiên cứu trước đây về va chạm giữa cầu và phương tiện nổi, tương tác giữa chất lỏng và công trình đã bị bỏ qua. Trong nghiên cứu này, hệ neo, hai phao nổi, kết cấu thân cầu dạng tối giản, tàu 30.000 DWT và môi trường xung quanh được mô phỏng bằng cách sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn. Tương tác giữa chất lỏng và công trình (FSI) cũng được tính đến thông qua việc áp dụng tùy biến Ơ le – Lagrăng (ALE). Kết quả của nghiên cứu cho thấy hiệu quả của việc áp dụng FSItrong va chạm tàu – cầu phao quay và khuyến nghị việc áp dụng tương tác này trong các nghiên cứu về va chạm tàu.
Từ khóa: Va chạm tàu, cầu phao nổi, tương tác chất lỏng – công trình, an toàn hàng hải